top of page
Tìm kiếm

Đánh Mất Phong Cách Cá Nhân - Bạn Đã Trải Qua Giai Đoạn Này Chưa?

Đây sẽ là một bài viết dành cho những ai đã tìm được phong cách thời trang hoặc đang cảm thấy lạc lõng vì đã đánh mất nó.



Lần đầu tiên bạn được quyết định chọn trang phục cho bản thân là khi nào? Nghe có vẻ lạ nhỉ? Nhưng nếu bạn nằm trong danh mục những người có phụ huynh mua và chọn đồ cho mặc, thì chúc mừng! Chúng ta về cùng một đội. Mặc dù, mình được tiếp xúc với sự đa dạng của các mảnh quần áo từ khi vừa lên 3 (cảm ơn bà nội - người làm nghề buôn vải - đã đem về cho con một túi quần áo mỗi tháng), nhưng việc chọn mặc gì lại rơi vào tay mẹ mình. Mãi cho đến khi mình học lớp 5, mình phải lên kế hoạch để thuyết phục mẹ mình. Phối sẵn một bộ trang phục vào buổi tối hôm trước, sáng dậy thật sớm để mặc nó cho mẹ mình xem và tổ chức một buổi biểu quyết trong nhà xem bộ trang phục mình chọn có đẹp không!? Câu chuyện giữa mình và quần áo bắt đầu như thế. Từ lần đấy, mình được toàn quyền quyết định mình sẽ mặc gì cho bất kì hoạt động nào mà mình tham gia. Những lần thử nghiệm cứ tiếp tục được diễn ra, cho đến những năm cấp 3 mình tìm được phong cách cá nhân của mình.



vogue.com


Trong vòng tròn những mối quan hệ của mình, có lẽ mình là người tìm được điều mình muốn ở những bộ trang phục khá sớm và mình luôn tự cảm thấy may mắn vì điều đó. Sự phát triển về phong cách cá nhân của mình đi theo đúng quỹ đạo của nó. Cho đến một ngày, mình không còn tin vào sự lựa chọn của bản thân nữa. Mọi thứ đều thật mờ mịt và nhàm chán. Mình chọn những mảnh quần áo hết sức cơ bản và chỉ mặc để đáp ứng nhu cầu được che lấp và thoải mái để vận động. Đương nhiên, bảng màu trang phục của mình cũng chỉ quay quanh trắng, đen, và xanh dương. Giai đoạn này kéo dài trong khoảng 1 năm hơn. Còn cách để vượt qua nó, mình chỉ có thể nói rằng cứ để cho nó trôi qua đừng cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi nó. Tuy nhiên, mình sẽ có những mánh nhỏ để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi đang nằm trong giai đoạn này nhé.



vogue.fr



1. Học cách quan sát


Nguồn cảm hứng có thể đến từ bất kì đâu. Mình nhớ mãi một hôm mình đang dùng bữa trưa ở một nhà hàng ngoài trời, một chú chừng 57-60 tuổi đi đến ngồi ở góc 45 độ về phía bên trái của bàn mình. Bộ trang phục và phong thái của chú cứ khiến mình nhớ mãi cho đến tận bây giờ. Bắt đầu từ mái tóc màu trắng phau, chiếc sơmi hoạ tiết sọc tattersall màu nâu trên nền ngà cho đến chiếc quần được làm từ chất liệu wool suiting màu nâu sậm có phần ly được ủi thẳng thóm. Bộ trang phục được sơvin gọn gàng. Phụ kiện chỉ vỏn vẹn 3 món: đồng hồ, thắt lưng và một chiếc cặp xách (là 4 nếu tính luôn cuốn sách chú đang cầm). Tuy nhiên, bằng cách nào đó 3 món phụ kiện này đã làm đúng với nghĩa vụ của nó - nâng cấp cho bộ trang phục. Có thể do chúng nhuốm màu thời gian và chứa đựng rất nhiều câu chuyện của chủ nhân nó - làm toả ra năng lượng “thuộc về”. Hoặc có thể 3 món phụ kiện này được làm từ thứ da bò đắt đỏ. Về tổng thể bộ trang phục khá đơn giản, nhưng nó có thể khắc hoạ được tính cách của người mặc. À, thật ra mình không cần phải quá áp lực về việc mình cần phải làm gì để tạo ấn tượng, mà chỉ cần chọn những món đồ phán ảnh bản thân mình trên đó - mình nghĩ như thế sau bữa trưa đó.


thevintagenews.com


2. Sắp xếp lại tủ quần áo


Một trong những việc mình thường làm khi bị căng thẳng là sắp xếp lại toàn bộ tủ quần áo. Nghe lạ ha? Nhưng việc làm này giúp mình loại bỏ những mảnh quần áo mình cảm thấy không thuộc về. Bạn biết đấy, những món đồ mà mình chọn mua vào lúc 1h sáng hoặc chỉ mua bởi vì nghĩ sẽ có khi mình cần dùng tới. Việc loại bỏ này sẽ giúp mình tránh trường hợp thử mãi nhưng không chọn được một bộ trang phục nào. Bởi vì tủ quần áo của mình giờ đây chỉ còn những món đồ mà mình cảm thấy thoải mái và là mình nhất khi mình mặc chúng. Việc chọn trang phục cũng sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Đôi khi hoạt động này diễn ra hơn 2 tiếng đồng hồ vì mình sẽ mặc và styling thử từ món này sang món khác. Không chỉ sắp xếp mà mình còn phối và ủi sẵn dành cho những trường hợp mình cần mặc và đi ngay.



apartmenttherapy.com


3. Yêu lại từ đầu


Tìm đến những nguồn cảm hứng ban đầu đã giúp cho bạn tìm được phong cách của bản thân và hi vọng chúng sẽ giúp bạn một lần nữa. Đó có thể là một bộ phim, một bản nhạc, một bài phỏng vấn nhà thiết kế mà bạn yêu thích hoặc đơn giản chỉ là một cung đường bao gồm những toà biệt thự cỗ mà bạn đã đi qua. Đây là cách mình thường áp dụng nhất mỗi khi mình cảm thấy lạc lối. Việc nhìn lại này không chỉ giúp mình “tìm lại được” mà còn “tìm thấy” những ngóc ngách khác mà mình ở trong quá khứ chưa nhìn ra.



Emma 2020


4. Học cách chấp nhận


Đúng vậy, đôi khi cách để vượt qua một vấn đề là cứ để nó trôi qua mình một cách nhẹ nhàng nhất, không vùng vẫy, không kháng cự. Sau những lần cảm thấy lạc lõng như vậy mình đã học được rằng những khoảng nghỉ là cần thiết để mình phát triển hơn. Nhìn lại đoạn đường mình đã đi qua và nhìn lại vào bên trong mình để biết mình muốn gì và mình cần gì.


Picnic, 2014 by Anna Valdez


Bài viết đến đây cũng đã khá dài rồi. Nếu bạn đang đọc những dòng chữ này, cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết của mình. Hi vọng những mánh khoẻ và câu chuyện của mình giúp ích được cho bạn trên con đường xây dựng phong cách cá nhân.



Love, dontbnormal

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page